Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Xả trộm chất thải của các công vệ sinh môi trường tư nhân

Hàng trăm tấn chất thải từ bể phốt của các hộ gia đình trong thành phố được các cơ sở hành nghề hút bể phốt, thông tắc cống không giấy phép hay của tư nhân thu gom mỗi ngày. Điều ít ai ngờ rằng điểm đến của số chất thải đó lại là các ao hồ, sông ngòi, cống thoát nước... trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, cả cung đường đẹp nhất Việt Nam là Đại lộ Thăng Long cũng phải nhận loại chất thải này…
Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ đổ trộm chất thải ra môi trường gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, những chiếc xe chuyên dụng sau khi hút chất thải từ bể phốt của các hộ gia đình, xí nghiệp, bệnh viện rồi đưa đến các ao hồ, hệ thống cống thoát nước trong thành phố để xả thải. Những chiếc xe hút bể phốt đã có những “mánh khóe” qua mặt các cơ quan chức năng, cũng như quá trình hút và xả thải trộm ra môi trường.
Điều dễ nhận thấy nhất của những chiếc xe này, đó là những chiếc xe bồn luôn được sơn màu vàng, trên xe có những dòng chữ “Vệ sinh môi trường Hà Nội”, “Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội”, “Xe phục vụ môi trường...” và những số điện thoại liên hệ. Mỗi khi có khách hàng gọi điện yêu cầu hút bể phốt là xe bồn đến tận nhà, thực hiện dịch vụ với giá 300.000đ/m3. Sau khi hút bể phốt, thông cống thì những chất thải này không được đưa đến nhà máy xử lý chất thải mà chúng bị xả thải tự do xuống ao hồ hoặc cống rãnh thoát nước.

Một lái xe cho biết: “Tôi lái xe hút bể phốt này đã được gần 2 năm. Hiện nay, mỗi 1m3 chất thải bể phốt, chúng tôi thu với giá 300.000-350.000đ/m3, tùy thuộc vào việc phải dẫn ống hút dài hay ngắn. Sau khi hút chất thải xong, chúng tôi thường xả thải xuống ao hồ hay cống thoát nước chứ không đưa đến nhà máy xử lý vì nếu làm vậy thì phải mất chi phí”.
Cũng theo lời anh : Hút ở nội thành, họ thường đến khu hồ nuôi cá ở phường Yên Sở để xả thải. Nếu hút ở khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn thì xả thải vào hồ Phương Trạch (Đông Anh) và ở khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân thì lên Đại lộ Thăng Long xả vào cống rãnh thoát nước.
Sau những tiết lộ của lái xe chúng tôi đã “mật phục” tại đường Nguyễn Khoái  để theo dõi việc xả thải của những chiếc xe này tại khu vực hồ nuôi cá của người dân. chúng tôi phát hiện chiếc xe hút bể phốt lừ lừ bò trên con đường đất dẫn vào Trường bắn Yên Sở. Ngay sau đó, chiếc xe này tấp vào lề đường, một phụ xe nhanh chóng nhảy xuống mở van xả chất thải ở bồn chứa xuống hồ nuôi cá. Một thứ chất thải lỏng có màu đen kịt phun ra từ miệng ống chảy xuống hồ khiến cả một khoảng hồ rộng lập tức đổi màu, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả một vùng.

Theo thông tin thu thập được thì: “Bình quân mỗi ngày lái xe xả thải xuống những chiếc hồ trên địa bàn phường Yên Sở khoảng 2-3 chuyến, mỗi chuyến chứa khoảng 4m3. Đây là chất thải được hút từ bể phốt của các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội… còn việc hút chất thải ở đâu đều do chủ xe chỉ định. Giá mỗi khối chất thải khoảng 300.000-350.000đ/m3, tùy theo địa hình nơi hút phải dẫn ống hút xa hay gần”. Và chỉ riêng 1 buổi chiều, chúng tôi đã phải chứng kiến cảnh gần chục chiếc xe vô tư xả chất thải xuống khu vực hồ nuôi cá này.
Theo trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, chất thải được hút ra từ bể phốt, đường cống chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, tả lỵ, trực khuẩn, thương hàn và các ký sinh trùng đường ruột... Khi xả thải thẳng xuống ao hồ, sông ngòi không qua xử lý sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Đây là tác nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.
Thành phố Hà Nội chỉ có một cơ sở xử lý chất thải từ bể phốt là Nhà máy Chế biến phế thải Cầu Diễn được xây dựng cách đây gần 30 năm. Năm 2008, nhà máy này được nâng cấp công suất xử lý lên 150 tấn/ngày, quy trình xử lý được chia làm ba giai đoạn, sử dụng men vi sinh và chế phẩm để xử lý. Sau khi xử lý thì phần cặn được sử dụng làm phân vi sinh, phần nước đạt chuẩn thì chảy ra cống thoát chung của thành phố. Nhưng so với nhu cầu thực tế hiện nay, nhà máy không đáp ứng được bởi theo tính toán, mỗi ngày khu vực nội thành Hà Nội phải xử lý khoảng 300 tấn chất thải từ bể phốt.
 Vậy 50% chất thải bể phốt hằng ngày đi đâu? Có lẽ câu trả lời chỉ có thể là hồ nuôi cá, hệ thống cống thoát nước, hoặc đại lộ đẹp nhất Việt Nam, hay ở một nơi nào đó thì chỉ có những người lái xe hút bể phốt hay chủ của các cơ sở tư nhân, không đăng ký mới biết.
Để giảm thiểu tình trạng trên thì cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng, có đủ chế tài để răn đe các hành vi xả thải ra môi trường, cần quy hoạch phù hợp để đáp ứng xử lý chất thải từ bể phốt, đường cống của thành phố, Vì thành phố xanh sạch đẹp, vì sức khỏe môi trường sống của người dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét