Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Cơ sở ý tế vô tư đổ nước thải ra môi trường.

Mặc dù ngành y tế và tài nguyên - môi trường đã có quy định chặt chẽ về việc xử lý rác thải, nước thải y tế, tuy nhiên trên thực tế tại các cơ sở y tế ở TPHCM, vấn đề này đang là nỗi nhức nhối vì mỗi BV mỗi cách làm khác nhau.

Qua khảo sát thực tế, PV Báo Lao Động đã “mục sở thị” nhiều cơ sở y tế xử lý bằng cách: Phân loại đem bán, trộn tả pí lù đem vứt chung với rác sinh hoạt, còn nước thải thì… vô tư đổ ra môi trường.


Nước thải của Bệnh viện quận y 12 vô tư đổ ra môi trường.


Rác y tế đem bán ve chai, trộn lẫn rác sinh hoạt

Theo phản ánh của người dân sống xung quanh khu vực BV quận 12 (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), chúng tôi đã đến tận nơi và phát hiện tại BV này, vào cuối giờ chiều, nhiều nhân viên (mặc áo blouse) mang từng bịch nylon xách ra bên ngoài để bán phế liệu cho vựa ve chai. Chủ quán nước trước cổng bệnh viện cho biết: “Ngày nào cũng thấy mấy cô (điều dưỡng, hộ lý - PV) xách rác ra đây bán. (Xem tiếp trang 2)
Các chủ xe bagác thu gom rác tại BV này hay than với tôi là rác ở đây ít kiếm ăn được quá vì các cô ấy lựa bán hết rồi”.

Phía sau BV, cách căngtin không đến 10m là hai nhà chứa rác nhưng lại là nơi tập kết vỏ chai dịch truyền, hộp nhựa, hộp thuốc, thùng carton... mà các nhân viên thu gom được. Trong khi đó, rác sinh hoạt được chất đống, bừa bộn bên ngoài, cạnh căngtin là khu vực ăn uống của bệnh nhân và nhân viên.

Tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (phường Linh Trung), nhiều người dân ở đây cho chúng tôi biết, rác thải y tế được bán công khai. Phế liệu được một người thu mua ve chai đến thu gom. Từ hộp thuốc, vỏ chai truyền dịch… đều được cân ký thu mua. Tại khu vực nhà rác của BV này, chúng tôi chứng kiến cửa mở toang, bên ngoài la liệt các vật dụng cũ, hư hỏng như bồn cầu, nệm, chiếu ngay sát vách các phòng mà bệnh nhân đang nằm điều trị.
Tại BV Cấp cứu Trưng Vương, rác y tế như chai truyền dịch, các vỏ chai nhựa, rác là vỏ chai, lọ thủy tinh được phân loại ngay ở cửa các phòng bệnh, nhưng BV lại không có nhà chứa rác y tế, rác sinh hoạt riêng biệt. Khu vực của khoa Cấp cứu hồi sức - Chống độc, cạnh nhà vệ sinh công cộng của BV là nơi tập kết các loại rác của cả các khoa, phòng.

Kinh hoàng hơn cả là việc xử lý rác y tế tại các phòng khám tư nhân. Theo thống kê của ngành y tế TPHCM, toàn TP hiện có 7.200 phòng khám tư nhân với nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ phòng khám nào có khu xử lý nước thải, rác thải. Tại một phòng giải phẫu thẩm mỹ trên đường Võ Văn Tần, quận 3, thay vì rác y tế được phân loại và phải hợp đồng với Cty môi trường đô thị để được xử lý theo đúng quy trình thì ở đây, rác được bỏ vào túi nylon và vô tư trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, để vào thùng rác để trên vỉa hè gần đó. Rác “trơ” ra mặt đường, vài ngày sau mới được chuyển đi nơi khác khiến mùi hôi thối kinh khủng.

Không chỉ rác thải y tế đang bị xử lý theo kiểu mạnh ai nấy làm, vấn đề đau đầu nhất hiện nay chính là nước thải từ các cơ sở y tế đang “hồn nhiên” thải ra môi trường. Kết quả kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý của các BV cho thấy, đối với hệ thống BV công lập trực thuộc cơ quan trung ương và sở ngành chỉ có 9 BV có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định; 7 BV xử lý nước thải chưa đạt, cần phải nâng cấp hệ thống và 5 BV chưa có hệ thống xử lý chất thải. Còn đối với BV thuộc Sở Y tế thì 10 đơn vị đã xử lý triệt để nước thải, số còn lại vẫn đang gây ô nhiễm…
Tại BV quận 12, cạnh hai nhà chứa rác là hệ thống bể xử lý nước thải của BV còn rất mới, tuy nhiên, công trình này xem ra chỉ để làm cảnh vì không được sử dụng nên xung quanh cây cối mọc đầy và bể chứa nước trở thành nơi… chứa rác. Song song với tường bao quanh BV này là một con mương nhỏ và một người dân tên là Minh sống gần đó cho biết: “Dọc theo tường rào này có 2 ống cống từ BV chảy ra khá lớn đổ nước trực tiếp ra mương này. Nước thải này có màu đen, mùi tanh hôi kinh khủng!”.

Kết quả phân tích các mẫu nước thải y tế chưa qua xử lý của cơ quan chuyên môn tại TPHCM khiến nhiều người rùng mình: Hàm lượng vi sinh vượt chuẩn cho phép ít nhất là 100 lần, thậm chí có mẫu vượt chuẩn cho phép lên đến... 1.000 lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét